Thắc mắc thường gặp liên quan đến visa du học Mỹ

Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các thủ tục, tiến trình xin và phỏng vấn visa du lịch/công tác, USAvisa xin trích dẫn các câu hỏi thường gặp của bạn đọc do chính LSQ Mỹ trả lời để các bạn có thêm thông tin để tham khảo.

  • Tôi nghe nói rằng việc xin cấp thị thực du học Hoa Kỳ rất khó? Điều này có đúng không?  

Mỗi sinh viên phải đáp ứng ba điều kiện cơ bản khi xin thị thực du học Hoa Kỳ. Những điều kiện đó là:

1) Đương đơn phải là sinh viên nghiêm túc có ý định đi du học thực sự: Vì lẽ đương đơn nộp đơn xin thị thực du học, do đó mục đích đương đơn đến Hoa Kỳ phải là để học tập. Viên chức Lãnh sự hy vọng rằng đương đơn có thể trả lời những câu hỏi căn bản về trường mà đương đơn sẽ theo học, những khoá học mà đương đơn dự định học, những kế hoạch khi trở về Việt Nam, lý do chọn trường học tại Hoa Kỳ, v.v.

2) Đương đơn phải có đủ nguồn tài chính: Đương đơn phải cho viên chức Lãnh sự thấy rằng đương đơn có đủ nguồn tài chính hỗ trợ trong suốt thời gian theo học tại Hoa Kỳ. Sau đây là một số ví dụ về giấy tờ chứng minh tài chính: học bổng, học bổng nghiên cứu sinh, thư hỗ trợ tài chính của trường đương đơn theo học, giấy tờ kinh doanh của gia đình, biên lai thuế hoặc giấy tờ bất động sản, và thư xác nhận tiền gửi ngân hàng.

3) Đương đơn phải trình bày được ý định quay trở về Việt Nam: Khi nộp đơn xin thị thực du học, chúng tôi hiểu rằng đương đơn xin phép vào Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành khoá học. Sau khi hoàn thành khoá học, đương đơn phải quay trở về Việt Nam.  

  • Tôi có thân nhân đang định cư tại Hoa Kỳ. Điều này có ảnh hưởng đến cơ hội được cấp thị thực du học của tôi hay không?  

Không. Mọi đương đơn xin thị thực đều phải khai báo thân nhân của họ tại Hoa Kỳ. Viên chức Lãnh sự hiểu rằng việc có thân nhân sinh sống ở nước ngoài là điều bình thường đối với các đương đơn, đặc biệt là đối với người miền Nam. Việc đương đơn ở cùng với thân nhân cũng có thể được chấp nhận. Đương đơn nên khai báo trung thực về hoàn cảnh gia đình. Chúng tôi sẽ không cấp thị thực nếu chúng tôi nghĩ rằng đương đơn xin thị thực chỉ để đoàn tụ với gia đình tại Hoa Kỳ.  

  • Thân nhân của tôi ở Hoa Kỳ mở hồ sơ bảo lãnh cho gia đình tôi đi định cư. Vậy tôi còn có khả năng được cấp thị thực du học hay không?  

Có thể; tuy nhiên, những sinh viên đã từng xin thị thực định cư sẽ gặp khó khăn hơn trong việc chứng minh ý định quay trở về Việt Nam sau khi hoàn thành khoá học. Đôi khi, đương đơn có thể trình bày ý định kép -- có nghĩa là, trước mắt đương đơn chỉ đi trong một thời gian ngắn, nhưng sau này có thể sẽ có ý muốn định cư tại Hoa Kỳ. Mỗi trường hợp mỗi khác nhau – tuy nhiên, lời khuyên tốt nhất dành cho tất cả các đương đơn là hãy thành thật về hoàn cảnh gia đình của mình và giải thích thật rõ ràng cho viên chức Lãnh sự kế hoạch công việc sau khi đương đơn hoàn thành khoá học ở Hoa Kỳ.  

  • Các đại lý dịch vụ thị thực có thể giúp tôi xin được thị thực hay không?  

Không. Đương đơn đừng bao giờ trả tiền cho bất kỳ người nào cho rằng họ có thể giúp bạn có được thị thực. Đương đơn cũng không nên trả tiền làm giấy tờ giả mạo vì các viên chức Lãnh sự của chúng tôi được đào tạo những kỹ năng phát hiện giấy tờ giả.  

  • Tôi nói tiếng Anh không tốt lắm. Tôi có thể trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt được không?  

Có thể. Các viên chức Lãnh sự đều học tiếng Việt và sẽ có nhân viên địa phương phiên dịch trong trường hợp cần thiết.  

  • Nếu tôi có đầy đủ các loại giấy tờ, tôi có được cấp thị thực du học không? 

Nhiều đương đơn xin thị thực du học thường cảm thấy mơ hồ khi không được cấp thị thực sau khi đã trình mẫu đơn I-20 của trường học tại Hoa Kỳ và những thông tin khác. Theo điều luật Hoa Kỳ, tất cả các đương đơn xin thị thực không định cư phải đưa ra những chứng cứ để thuyết phục viên chức Lãnh sự tin rằng đương đơn sẽ rời khỏi Hoa Kỳ trước khi thời gian lưu trú cho phép hết hạn.

Đối với thị thực du học, đương đơn có thể dự định ở lại Hoa Kỳ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để theo đuổi khóa học. Do đó, viên chức Lãnh sự phải xem xét hoàn cảnh tổng thể của đương đơn trước khi quyết định cấp thị thực.

Sinh viên có thể bị từ chối cấp thị thực du học nếu viên chức phỏng vấn phát hiện rằng mục đích chủ yếu của đương đơn khi đến Hoa Kỳ không phải để học tập, mà chỉ muốn cư trú vô thời hạn hoặc tìm việc làm bất hợp pháp tại Hoa Kỳ.  

  • Với thị thực du học, tôi có thể được lưu trú tại Hoa Kỳ trong bao lâu?  

Khi nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện thị thực du học, đương đơn thường được phép lưu trú tại Hoa Kỳ trong suốt thời gian theo học. Điều này có nghĩa là đương đơn có thể ở lại Hoa Kỳ với điều kiện đương đơn vẫn còn là sinh viên toàn thời gian, cho dù thị thực du học (F1) trong hộ chiếu đã hết hạn trong lúc đương đơn vẫn còn đang ở Hoa Kỳ.  

  • Tôi mới bị từ chối cấp thị thực du học theo điều khoản 214(b) của Luật Di trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là gì? Tôi có thể nộp đơn lại không?  

Thông thường, đương đơn xin thị thực du học thường bị từ chối vì một trong những lý do sau: (a) đương đơn không thuyết phục được viên chức việc đương đơn thực sự có ý định học tập tại Hoa Kỳ hoặc đương đơn có khả năng học tốt ở Hoa Kỳ; (b) đương đơn không thuyết phục được viên chức Lãnh sự việc đương đơn có đủ nguồn tài chính chi trả cho việc học; (c) đương đơn không thuyết phục được viên chức Lãnh sự rằng đương đơn có ý định quay trở về Việt Nam sau khi hoàn tất khoá học tại Hoa Kỳ. Đương đơn có thể xin phỏng vấn lại bất kỳ lúc nào, tuy nhiên đương đơn nên xem xét thật kỹ hồ sơ của mình trước khi tái phỏng vấn. Khi phỏng vấn lại, đương đơn phải chuẩn bị giải thích thật rõ ràng (a) kế hoạch học tập; (b) tình hình tài chính; (c) kế hoạch làm việc sau khi hoàn tất khoá học tại Hoa Kỳ.  

  • Tôi sẽ về thăm gia đình. Thị thực du học của tôi được phép ra vào Hoa Kỳ nhiều lần vẫn còn hiệu lực, nhưng tôi đã chuyển sang một trường khác. Để trở lại Hoa Kỳ tiếp tục khoá học, tôi có cần phải xin cấp thị thực du học mới trong khi thị thực du học cũ của tôi vẫn còn hiệu lực?  

Cho dù đương đơn đã chuyển trường, đương đơn vẫn có thể tiếp tục vào Hoa Kỳ với thị thực du học hiện tại, với điều kiện thị thực này vẫn còn hiệu lực và đương đơn không được nghỉ học nhiều hơn 5 tháng. Tại cửa khẩu nhập cảnh Hoa Kỳ, đương đơn nên chuẩn bị sẵn mẫu đơn I-20 của trường mà đương đơn đang theo học để trình cho viên chức cửa khẩu.  

  • Tôi muốn tham gia chương trình Ðào tạo Thực hành Tự chọn (OPT) sau khi kết thúc khoá học. Tôi có thể tìm hiểu thông tin này ở đâu?

Sinh viên có thể tham khảo thông tin về chương trình Ðào tạo Thực hành Tự chọn (OPT) với viên chức được trường học chính thức chỉ định hoặc tham khảo trang web của USCIS và trang web ICE International Students.

  • Tôi là sinh viên đang theo học tại trường cao đẳng hoặc đại học tại Hoa Kỳ. Trường tôi có được phép cho tôi đăng ký ít hơn 12 tín chỉ trong một học kỳ không?  

Không, họ không được phép ngoại trừ trường hợp sinh viên sắp tốt nghiệp vào cuối học kỳ đó. Các trường cao đẳng hoặc đại học thỉnh thoảng sẽ cho phép sinh viên đăng ký ít hơn 12 tín chỉ trong một học kỳ theo yêu cầu hành chính của trường để sinh viên duy trì chương trình học chính qui. Tuy nhiên, sinh viên nước ngoài cũng buộc phải tuân thủ các qui định của điều luật Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ. Theo điều luật này, thị thực du học yêu cầu sinh viên phải hoàn tất ít nhất 12 tín chỉ cho mỗi học kỳ (không phân biệt sự khác nhau giữa học kỳ 18 tuần, 16 tuần hoặc 12 tuần được áp dụng cho từng học viện). Do đó, nếu không phải là sinh viên năm cuối sắp tốt nghiệp vào học kỳ cuối, sinh viên phải tuân thủ theo những qui định này và hoàn tất 12 tín chỉ cho các học kỳ chính qui tại trường.

Nguồn: LSQ Mỹ tại TPHCM

 

Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN USAVISA 

35 Mạc Đĩnh Chi, Lầu 1, Phường Đakao, Quận 1, Hồ Chí Minh

Viber/Whatsapp/Zalo/Facetime: 0937 988 471 

Điện thoại: 0909 32 77 18 - 0909 466 880 hoặc 08 6291 4079 (Ms. Trinh)

 

Xem thêm:  Visa du hoc My | Visa du lich My | Visa ket hon My | Visa hon the My |Visa cong tac My | Dich vu khac