Mở rộng miễn thị thực để tránh tụt hậu về du lịch

Có thể thấy, nhiều quốc gia trong khu vực từ lâu đã mở rộng cửa đón khách du lịch quốc tế bằng chính sách miễn thị thực. Đáng kể có Philippines đã miễn thị thực cho gần 165 nước, chia thành nhiều nhóm, như: nhóm ở lại không quá 30 ngày (157 nước), nhóm 59 ngày (2 nước), nhóm 7 ngày (6 nước). Ngoài ra, Singapore miễn thị thực cho gần 160 nước, Malaysia (164 nước), Thái Lan (61 nước)… Campuchia cho đến nay cũng đã miễn thị thực cho 25 quốc gia. Đặc biệt, Lào đã miễn thị thực cho công dân của khoảng 40 quốc gia.

Chính sách này đã đóng góp đáng kể cho việc thu hút du khách và đầu tư. Điển hình như đối với Indonesia, vào tháng 4/2015, nước này quyết định miễn thị thực cho công dân 30 quốc gia để thu hút du khách và đầu tư với thời gian miễn thị thực 30 ngày. Chính sách này có hiệu quả tức thì khi năm 2015 có 5,1 triệu người nước ngoài đến Indonesia so với 4,8 triệu năm 2014. Số khách thuộc diện miễn thị thực đạt 3,3 triệu, tăng gấp đôi năm trước.

Đến tháng 03/2016, Indonesia lại tiếp tục miễn thị thực cho công dân của 79 quốc gia, nâng tổng số nước được miễn thị thực lên tới 169. Qua đó, Indonesia đã đặt mục tiêu đón 12 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay và đạt mức 20 triệu vào năm 2019 (trong khi mục tiêu của du lịch Việt Nam là đón khoảng 10 triệu lượt khách vào năm 2020).

Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), khách du lịch coi thị thực chủ yếu như một thủ tục áp đặt chi phí, bao gồm chi phí trực tiếp là lệ phí thị thực và các chi phí gián tiếp như khoảng cách, thời gian chờ đợi và mức độ phức tạp của quy trình cấp thị thực. Nếu những chi phí này vượt quá ngưỡng thì khách du lịch tiềm năng không muốn thực hiện chuyến đi nữa hoặc sẽ chọn một điểm đến thay thế.

Vậy nhưng, thực tế ở Việt Nam, dù nhiều năm nay đã đưa du lịch vào danh sách những ngành kinh tế mũi nhọn, thì chính sách thị thực lại không được chú trọng.

Cho tới nay, Việt Nam chỉ mới miễn thị thực cho tổng số 22 nước, trong đó có: 9 nước thành viên ASEAN (miễn 30 ngày, riêng Brunei là 14 ngày); miễn đơn phương cho 7 nước đến hết năm 2019 là Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga (không quá 15 ngày).

Đây quả thực là một điểm hạn chế đối với thu hút đầu tư và phát triển du lịch, bởi nhìn vào các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực, không có quốc gia nào đạt trên dưới 20 triệu lượt khách quốc tế/năm lại không có chính sách thị thực thông thoáng, như Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Điểm trừ này cũng đã từng được EuroCham kiến nghị trong Sách trắng 2015, đó là: Việt Nam cần áp dụng chính sách thị thực linh hoạt và đơn giản hơn thông qua việc mở rộng danh mục các quốc gia được miễn thị thực và áp dụng cơ chế thị thực điện tử thực sự, nhằm cung cấp thị thực trực tuyến cho du khách, để họ có thể tự in ra và làm thủ tục khi nhập cảnh.

Cơ quan này cũng khuyến nghị nước ta cần tập trung miễn thị thực cho tất cả các thành viên EU, các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), như: Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Chile, Mexico, Peru...

Các chuyên gia EuroCham cho rằng, thời hạn miễn thị thực 15 ngày đang được áp dụng là không đủ đối với nhiều du khách quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam cần mở rộng chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu, áp dụng thị thực điện tử, giảm phí cấp thị thực (hiện cao thứ 2 ở châu Á), xem xét kéo dài thời hạn miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày, cho phép nhập cảnh trở lại trong thời hạn 30 ngày nếu du khách chứng minh được đã rời Việt Nam trong quãng thời gian đó…

Tuy nhiên, việc miễn thị thực cho khách du lịch không phải hoàn toàn có lợi mà cũng có những ẩn chứa bất lợi cho nước chủ nhà. Theo đó, về mặt quản lý, việc miễn thị thực khiến nước chủ nhà khó quản lý và rà soát được nhân thân của khách du lịch, đồng thời khó cung cấp hay hỗ trợ thông tin khi bất ngờ xảy ra sự cố.

Về mặt an ninh, nếu “mở” hoàn toàn thị thực với mọi mục đích thì khó có thể tránh khỏi một số cá nhân nhập cảnh với mục đích xấu, ảnh hưởng đến hệ thống an ninh chính trị của nước ta.

Ngoài ra, việc miễn thị thực đối với khách du lịch khiến nước chủ nhà gặp nhiều khó khăn khi sử dụng hệ thống rào cản thị thực như đóng cửa biên giới hoặc cung cấp thông tin khi gặp những tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, như: SARS, EBOLA hay MERS… Vì vậy, cũng cần cân nhắc tới tổng thể lợi ích quốc gia về việc “nới” thị thực./. 

---------------------------------------

Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ


CÔNG TY TNHH TƯ VẤN USAVISA
Lầu 2, 44 Lê Văn Duyệt, Phường 1, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
Viber/Whatsapp/Zalo/Facetime: 0938 599 293
Điện thoại: 0937 988 471 hoặc 0909 466 880 

Xem thêm:  Visa du hoc My | Visa du lich My | Visa ket hon My | Visa hon the My |Visa cong tac My | Dich vu khac